Hãng phân tích tình báo Stratfor nhận định Bắc Kinh có vẻ đang tìm cách thúc đẩy nền công nghiệp thép khổng lồ của mình mở rộng ra nước ngoài và thống lĩnh toàn cầu, đồng thời cắt bớt sản lượng dư thừa trong nước. Quá trình “xuất ngoại” các lò luyện thép này từ lâu đã bị cảnh báo sẽ mang theo cả các công nghệ ô nhiễm của Trung Quốc ra nước ngoài.
“Tái định cư” ngành thép
Tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 17-5 cho biết Trung Quốc đang dự định sản xuất 10 triệu tấn thép/năm tại Brazil. Trong đó 1/3 dự án khổng lồ này sẽ được nắm bởi liên minh các nhà sản xuất thép chất lượng cao của Trung Quốc. Dẫn lời từ ban quản trị của một hãng đầu tư Trung Quốc, tờ báo khẳng định đây là một phần kế hoạch chuyển bớt sản lượng thép tạo ra hằng năm từ Trung Quốc sang Brazil. Thông tin của Nhân Dân Nhật Báoxuất hiện chỉ vài ngày sau khi một nhà sản xuất thép lớn của Ấn Độ mời Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất thép sang nước này.
Quyết liệt chuyển hoạt động ra nước ngoài, các tập đoàn thép lớn nhất Trung Quốc cần hỗ trợ tài chính từ trung ương. Theo Stratfor, những công ty tham gia vào cuộc “di cư” sang Brazil sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một chi nhánh của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Ngân hàng này chuyên cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hơn thị trường để phục vụ cho các chính sách kinh tế của chính phủ. Điều này cho thấy cuộc đổ bộ của các lò thép Trung Quốc ra nước ngoài trước đó phải được “bật đèn xanh” về mặt chính sách. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn chưa công khai tuyên bố gì về chủ trương “tái định cư” ngành công nghiệp thép của mình.
Chính quyền của ông Tập Cận Bình đang rất muốn chuyển hướng nền kinh tế nước này từ chế tạo sản xuất, công nghiệp nặng và công nghiệp thô sang một nền kinh tế công nghệ cao. Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua tại Hàng Châu cũng đã thể hiện rõ ý định này của nước chủ nhà. Bắc Kinh muốn giảm 150 triệu tấn thép sản lượng trong thời gian năm năm. Để thoát cảnh bị “triệt đường sống”, những doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm cách xuất khẩu kinh nghiệm và công nghệ của mình ra nước ngoài,Stratfor nhận định.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức bước chân vào những thị trường yêu cầu cao như Ấn Độ hay Brazil. Những doanh nghiệp nằm ngoài tốp đầu, không đủ sức theo đuổi các công nghệ luyện thép chất lượng cao và ít ô nhiễm sẽ “tái định cư” ở các nền kinh tế kém phát triển hơn như châu Phi và các nước Đông Nam Á. Điều này từ lâu đã được cảnh báo tạo ra một làn sóng “xuất khẩu ô nhiễm” từ Trung Quốc ra nước ngoài.
Xuất khẩu ô nhiễm
Tháng 11-2014, Tập đoàn Sắt thép Hà Bắc (HBIS) đã bắt tay với Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Nam Phi và Quỹ phát triển Trung Quốc – châu Phi xây dựng một trong những lò luyện thép lớn nhất của Trung Quốc tại nước ngoài. Trong đó, nhà sản xuất của Hà Bắc nắm giữ đến 51% cổ phần. Theo báo cáo của Wall Street Journal, dự án này dự kiến sẽ đạt sản lượng 5 triệu tấn thép vào năm 2019. Hợp đồng này được xem là cột mốc đánh dấu cho chiến lược “di tản” ngành công nghiệp siêu ô nhiễm của Hà Bắc và khu vực lân cận Bắc Kinh ra nước ngoài, hãng tin Bloomberg đánh giá.
Không chỉ ngành thép, nhiều ngành công nghiệp góp phần biến Hà Bắc thành tỉnh ô nhiễm nhất Trung Quốc, như sản xuất xi măng và thủy tinh, cũng được lên kế hoạch “tái định cư” đến châu Phi, Mỹ La tinh, Đông Âu và nhiều nước châu Á. Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, sản lượng 20 triệu tấn thép và 30 triệu tấn xi măng sẽ được chuyển ra nước ngoài, lộ trình đến năm 2023. Với dự án tại Nam Phi, HBIS hy vọng có thể ngưng hoạt động các dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, theo Bloomberg.
“Phương Tây xuất khẩu ô nhiễm sang Trung Quốc bằng công nghiệp nhẹ. Giờ đây đến lượt Trung Quốc đạt đến mức phát triển để bắt đầu xuất khẩu ô nhiễm, xây dựng nhà máy thép và công nghiệp nặng tại các nước nghèo hơn mình”, Tom Miller, chuyên gia phân tích kinh tế tại Bắc Kinh, cho biết. Hà Bắc có vẻ là điểm khởi đầu cho chiến dịch “xuất khẩu ô nhiễm” của Bắc Kinh. Tỉnh này có đến bảy thành phố ô nhiễm bậc nhất Trung Quốc và nơi thải khí độc nhiều nhất nước. Với hơn 200 triệu tấn/năm và chiếm 1/4 sản lượng thép toàn quốc, ngành công nghiệp thép của Hà Bắc bị xem là thủ phạm gây ô nhiễm hàng đầu.
Chiến dịch cắt giảm khí thải và công nghiệp ô nhiễm đã giáng nhiều đòn đau vào nền kinh tế của Hà Bắc. Theo trang tin Asia Correspondent, tính tới đầu năm 2015, chiến dịch này buộc hơn 8.000 công ty của tỉnh phải đóng cửa với hơn 35.000 nhà máy công nghiệp nặng. Nguồn thu từ thuế của chính quyền địa phương và tình trạng thất nghiệp của Hà Bắc do vậy cũng bị tác động nghiêm trọng. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, trước sức ép của chiến dịch bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp nhà nước của Hà Bắc đang ráo riết hoàn thành một dự án sản xuất hằng năm 600.000 tấn thép tại Thái Lan, 350.000 tấn thép tại Indonesia và 1,5 triệu tấn bột sắt tại Chile.
Ngán ngẩm “rác công nghệ”
Phía Trung Quốc đương nhiên không muốn thừa nhận làn sóng “tái định cư” ngành công nghiệp thép của họ sẽ kéo theo hiệu ứng “xuất khẩu ô nhiễm” ra nước ngoài. Trả lời tờ Thời Báo Hoàn Cầu, đại diện Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho biết: “Việc dịch chuyển các nhà máy không hề nhằm mục đích xuất khẩu ô nhiễm. Đây là những ngành công nghiệp mũi nhọn của Trung Quốc. Và mặc dù sản lượng đang quá dư thừa, Trung Quốc cũng không muốn đánh mất nền công nghiệp thế mạnh này. Đây chỉ là một phần kế hoạch nâng cấp và cấu trúc lại nền kinh tế của Hà Bắc mà thôi”.
Thế nhưng vẫn có rất nhiều những doanh nghiệp Trung Quốc bị từ chối bước chân vào nước khác vì không thỏa được các yêu cầu về môi trường. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, tập đoàn thép Baosteel của Thượng Hải vào năm 2009 đã buộc phải từ bỏ một hợp đồng hợp tác đầu tư với Brazil vì không thể nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan môi trường nước bạn. Các nỗ lực mở nhà máy tại Brazil của Tập đoàn Sắt thép Vũ Hán tại Brazil cũng phá sản. Phía Brazil tỏ ra ngán ngẩm trước các công nghệ thép lạc hậu và ô nhiễm của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, tập đoàn Baosteel sau đó cũng chen chân vào được dự án khổng lồ tại Nam Phi, một thị trường có nhu cầu thấp hơn Brazil.
Theo Bloomberg, các quốc gia có luật pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và minh bạch sẽ khó lòng tin tưởng các doanh nghiệp thép Trung Quốc, ngành thép vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp ô nhiễm và ít lợi nhuận nhất của nước này. Theo The Diplomat, một phần lớn những doanh nghiệp thép ô nhiễm tại Trung Quốc lại là những doanh nghiệp sống vật vờ nhờ vào các khoản vay lãi suất thấp, các chính sách ưu đãi của địa phương, bất chấp lượng thép dư thừa vô tội vạ bán rẻ ra thị trường.
Andrew Polk, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Kinh tế học và Kinh doanh Trung Quốc, nhận định: “Nếu họ chỉ chuyển những doanh nghiệp tốn kém và thua lỗ từ Trung Quốc đến nước khác, nó sẽ không tạo ra bất kỳ ích lợi nào cả. Làm sao có nước nào đủ minh mẫn lại muốn đón chào những doanh nghiệp sống không ra sống đó vào nước mình cơ chứ?”.
Việc chuyển sản xuất thép ra nước ngoài không chỉ mở ra cơ hội mới cho các tập đoàn Trung Quốc tại những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Brazil và các nước Đông Nam Á. Xu hướng này cũng phù hợp với mục tiêu cắt giảm sản lượng thép dư thừa trong nước, vốn đang chịu nhiều chỉ trích từ các thành viên G20. Theo Stratfor, Trung Quốc trong năm 2015 đã sản xuất ra hơn 800 triệu tấn thép nhưng chỉ xuất khẩu được khoảng 112 triệu tấn. Tổng năng suất luyện thép của Trung Quốc lên đến 1,13 tỉ tấn thép, chủ yếu nằm tại hàng ngàn lò luyện thép địa phương sử dụng các công nghệ thiếu hiệu quả kinh tế và ô nhiễm môi trường. |
(nguồn: PL.TPHCM)